Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

CẤM SỬ DỤNG KHÁNG SINH TRONG CHĂN NUÔI VÀ THUỶ SẢN TỪ NĂM 2020

CẤM SỬ DỤNG KHÁNG SINH TRONG CHĂN NUÔI VÀ THUỶ SẢN TỪ NĂM 2020
Việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc trong gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm động vật.
Mặt khác, việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn, việc trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản mà không được giám sát về chuyên môn cho thấy thuốc kháng sinh được sử dụng thiếu trách nhiệm ở Việt Nam. Theo các cơ quan chức năng, đây là vấn đề đáng lo ngại.
Do đó, từ đầu năm 2018, Việt Nam sẽ dừng sử dụng các loại kháng sinh trong sản xuất thực phẩm (chăn nuôi và thủy sản), chỉ cho phép sử dụng trong sản xuất con giống. Trong lộ trình đến năm 2020, Việt Nam sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản.
Rất nhiều ý kiến xác đáng về thực trạng này đã được nêu tại Hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh, phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO).
Lo ngại tồn dư kháng sinh
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám, hiện nay tình trạng kháng kháng sinh đang là vấn đề mới và nhức nhối, đe dọa sức khỏe trăm nghìn người khi cơ thể có hiện tượng vi khuẩn gây bệnh kháng kháng sinh. Các loại kháng sinh không chỉ được lạm dụng trong chữa bệnh cho người mà còn sử dụng rất rộng rãi trong chăn nuôi và thủy sản, sản xuất thực phẩm. Tồn dư kháng sinh từ thực phẩm vào cơ thể người là vấn đề đáng lo ngại.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho hay, để phù hợp với chính sách này, sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đề nghị sửa đổi, ban hành một số luật như Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật An toàn thực phẩm…
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị chiều nay (2/8), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khởi động Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản 2017 -2020.
Kế hoạch hành động quốc gia này sẽ góp phần giảm thiểu các nguy cơ kháng thuốc cho cộng đồng liên quan tới việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Kế hoạch hành động quốc gia có 5 mục tiêu cụ thể bao gồm việc rà soát, sửa đổi và thi hành các quy định và chính sách liên quan tới kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. Mục tiêu thứ hai là nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và nguy cơ hình thành kháng khánh sinh.
Mục tiêu thứ ba là thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản. Đồng thời giám sát việc sử dụng kháng sinh, kháng sinh tồn dư và kháng kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản. Cuối cùng là tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác liên ngành về quản lý kháng kháng sinh.
Hợp tác quốc tế quản lý và sử dụng kháng sinh
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, để triển khai hiệu quả kế hoạch này, cần phải có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng như kêu gọi hỗ trợ, hợp tác quốc tế, sự tham gia của các viện nghiên cứu… nhằm giảm sử dụng kháng sinh và ngăn ngừa các mối đe dọa từ kháng kháng sinh.
Ông Jong Ha Bea, Trưởng đại diện của FAO cũng cho biết, kháng kháng sinh ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh kế của người dân Việt Nam, đe dọa tới sự bền vững của sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và môi trường. Người chăn nuôi, bác sỹ thú y và người bán thuốc cần chia sẻ trách nhiệm bằng cách sử dụng kháng sinh có trách nhiệm hơn, tìm ra các giải pháp thay thế để duy trì sức khỏe và năng suất chăn nuôi bằng các biện phán an toàn sinh học.
Phát biểu tại Hội nghị, để kế hoạch thành công, ông Craig Hart, Phó giám đốc cơ quan Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cũng cho biết, kế hoạch này là bước đi quan trọng nhưng sự thành công của nó phụ thuộc vào việc tuân thủ và thực thi pháp luật. Các hành động phải dựa trên bằng chứng và thông lệ quốc tế.
Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản 2017 -2020 được hỗ trợ tài chính từ Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc./.
PHÒNG CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG
MS.MỸ: 0903.516.399

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét